“Rủ nhau đi đánh bài chòi
Để cho con khóc đến lòi rún ra”
Câu hát xưa của người miền Trung đã phần nào cho thấy sức thu hút của hát bài chòi. Đến nay, không ít du khách vẫn say mê với hội bài chòi tổ chức trước đây vào đêm thứ Bảy nay thì tổ chức hằng đêm ở phố cổ Hội An vào mùa cao điểm du khách.
Hát bài chòi Hội An
là môn nghệ thuật đa dạng, kết hợp giữa âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Loại hình này có xuất xứ Trung Bộ, phổ biến ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Những người lưu giữ và thực hành nghệ thuật bài chòi được gọi là các anh chị Hiệu.
Hát Bài chòi Hội an có hai hình thức là chơi bài chòi và trình diễn. Khi chơi bài chòi, người tham gia sử dụng các thẻ bài. Trong các buổi trình diễn, anh chị Hiệu biểu diễn trên chiếu cói hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Họ hát, đối đáp về tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng, những bài học đạo đức.
Nghệ thuật bài chòi chủ yếu được lưu giữ qua phương pháp truyền miệng. Các nghệ nhân được học kỹ năng, kỹ thuật hô, hát từ thế hệ trước trong gia đình. Ngày nay, một số nghệ nhân cũng dạy bài chòi ở các hội nhóm, câu lạc bộ và trường học.
Thời gian diễn ra hát bài chòi Hội An
Nghệ thuật hát bài chòi Hội An xuất phát từ đời sống lao động của người xứ Quảng. Trước kia, người ta dựng chòi canh nương, canh rẫy. Khi canh giữ hoa màu trên chòi gác, trai làng đã nghĩ ra cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò giữa chòi này với chòi khác.
Trước đây, đêm hội bài chòi chỉ diễn ra vào các ngày thứ 7 hằng tuần. Nhưng do tính chất du khách về Hội An rất đông, nên giờ đây sân chơi này diễn ra hằng đêm để phục vụ du khách. Cứ tầm 8h tối, mọi người lại ới nhau tụ tập ở khoảng sân bên cầu sông Hoài. Rải chiếc chiếu nhỏ dưới những chòi tre ngồi nghe những giai điệu cổ từ những ca dao xưa của hát bài chòi.
Đây là một sân chơi của những ván cờ…
Hát bài chòi hội An được xem là một trò chơi dân gian đặc sắc. Khuôn viên của hội bài chòi gồm 9 chòi tre, mỗi chòi có từ 5-6 người chơi. Trong đó, 1 chòi cái để ống tre đựng quân bài, cờ hiệu và 1 chòi trung tâm cho ban nhạc gồm đờn cò và trống. Bộ bài sử dụng để chơi bài chòi gọi là bài trùng, có 27 cặp với những tên gọi dân dã, dễ nhớ như:
Nhất trò, Nhì nghèo, Ba gà, Tam quăng, Tứ cẳng… Quân bài được in bằng giấy bìa, dán lên thẻ tre. Bộ bài được chia làm 2 phần, một nửa chia cho người chơi, một nửa đặt ở chòi cái. Mở đầu cuộc chơi, anh hiệu (người cầm trịch) sẽ hô to lời thai. Anh rút ngẫu nhiên một quân bài trong ống tre và ngâm nga một đoạn vè- gọi là hô thai, sao cho cuối đoạn vè lời ngâm sẽ “ứng” với quân bài anh rút được.
Con bài người chơi nào trùng với con bài rút ra từ ống tre của chòi cái thì người ấy gõ mõ báo hiệu và được phát một cây cờ. Người chơi nào có nhiều cờ nhất sẽ được thưởng và quà cho người thắng cuộc thường là ly rượu do anh Hiệu mời và được tặng một chiếc đèn lồng Hội An để làm kỷ niệm.
Cuộc chơi tiếp tục cho đến khi anh hiệu hô hết các quân bài. Hội bài chòi là một sân chơi ngoài trời bình dân, người chơi chính là khán giả đến để thưởng thức không khí sôi nổi và nghe anh hiệu hô thai.
Chơi hát bài chòi thì chuyện thắng thua không quan trọng…
Mà nét thú vị của hát bài chòi Hội An là được ngồi nghe những câu hát chậm rãi, nhịp nhàng, trầm bổng. Đôi lúc cứ ngỡ là thơ. Người chơi cứ đi hết bất ngờ này đến hồi hộp khác. Rồi lại đoán tới đoán lui xem con bài đang được hô là gì. Mỗi ván bài có khi chỉ diễn ra trong 15 phút.
Nhưng cũng có khi kéo dài cả tiếng vì nó tùy thuộc vào khi nào có người chơi trúng 3 quân cờ trước.
Chẳng ai biết được bài chòi chính thức xuất hiện trong thời gian nào nhưng loại hình này đã được thường xuyên tổ chức ở các vùng Huế. Quảng Nam các đây hơn 300 năm trong những dịp lễ hội hoặc mừng xuân.
Đến khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới thì Hội An đã quyết định khôi phục bài chòi thành một sân chơi. Quyết định này nhằm quảng bá nét văn hóa độc đáo của dân tộc đến với bạn bè năm châu.
Hát bài chòi Hội An Quảng Nam vừa mang trong nó hơi thở nóng hổi của cuộc sống hiện đại, vừa chứa đựng vẻ dịu dàng, duyên dáng của một nét văn hóa truyền thống đầy ý nghĩa.
Chính vì thế, hội bài chòi đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu được của nhiều tầng lớp nhân dân trong tỉnh, thu hút cả người già và lớp trẻ ở mọi vùng miền, không những trong dịp tết mà còn ở các lễ hội của địa phương.